Nhân lúc nắng nóng thế này, mình muốn chia sẻ đôi điều về kem chống nắng. Hằng ngày và đặc biệt thời gian này, mình nhận được rất nhiều lời đề nghị tư vấn về kem chống nắng, với những câu hỏi ngỡ như đơn giản nhưng nếu không hiểu rõ thật sự chúng ta sẽ dễ chọn sản phẩm chống nắng không phù hợp với da mình.

Kem chống nắng – bạn đồng hành ngày nắng

Nhiều người không nhận thấy ích lợi của kem chống nắng, bởi chúng hoạt động vô hình như một chiếc kính có khả năng chống lại tia cực tím. Cũng có nhiều bạn nghĩ là mình đen sẵng rồi cần kem chống nắng làm gì, cứ phơi nắng để có làn da nâu càng nâu như  Cổ Thiên Lạc..!?. Suy nghĩ này không đúng rồi bạn nha, dùng kem chống nắng không phải chỉ để không bị đen đi mà còn để tránh  nguy cơ lão hóa và ung thư da bởi ánh nắng…

Chỉ số SPF, PA – bạn có thật sự hiểu rõ ?

Chỉ số SPF ngăn ngừa tia UV

Chỉ số SPF (Sun Protection Factor) là chỉ số biểu thị khả năng chống tia UVB của sản phẩm. Theo định mức quốc tế, thì 1 SPF sẽ có khả năng bảo vệ làn da và hạn chế tác hại của tia UVB trong khoảng 10 phút. Ví dụ như vầy, bạn ra ngoài ánh nắng trực tiếp mà không thoa kem chống nắng, thì ánh nắng tác động trực tiếp đến da. Nếu bạn thoa kem có chỉ số SPF 10, thì 100 phút sau ánh nắng mới tác động đến làn da của bạn.

Chỉ số PA được viết tắt bởi PFA (Protection Factor of UVA) biểu thị mức độ chống lại tia UVA của sản phẩm.

  • PA+ Bảo vệ khỏi tia UVA (40-50%)
  • PA++ Bảo vệ khỏi tia UVA (60-70%)
  • PA+++ Bảo vệ khỏi tia UVA ( 90% )

Có rất nhiều sản phẩm kem chống nắng không có chỉ số PA, vậy có nghĩa là da bạn không được bảo vệ trước tia UVA ? Không phải vậy. Với những sản phẩm chống nắng có SPF lớn hơn 15 có ghi chữ Broad Spectrum (Quang phổ rộng)  trên bao bì thì được FPA công nhận đều có khả năng bảo vệ da khỏi 2 tia UVA và UVB. Nên các cô gái cứ yên tâm nếu không có PA+  nhưng có SPF và Broad Spectrum nhé.

Xịt chống nắng Neutrogena Ultra Sheer Broad Spectrum SPF 100

Nhều người luôn nghĩ rằng chỉ số SPF càng cao thì chống nắng càng tốt,an toàn… Thực tế thì chỉ số càng cao, tác hại của ánh nắng mặt trời đến da được bảo vệ càng lâu. Nhưng tùy hoàn cảnh mà chúng ta nên chọn SPF phù hợp. Độ SPF càng cao, kem lưu trên da càng lâu sẽ dễ gây bưng bít lỗ chân lông và làm da bị tổn thương. Nếu sử dụng kem chống nắng hàng ngày, nên chọn độ SPF dao động từ 30 – 60. Với những chỉ số cao hơn, từ (70 – 100) thích hợp để đi biển, leo núi dưới cường độ nắng cao hoặc ở những vùng da đặc biệt như đang điều trị nám, tàn nhang.

Kem chống nắng Vật lý (Sunblock) và Hóa học (Sunscreen)

Các bạn luôn đánh đồng từ “ hóa học ” và nghĩ rằng không tốt cho da, mình chắc rằng hơn 50% các bạn chưa thật sự rõ nhưng lại luôn muốn tìm kem chống nắng "Sunblock". Sunblock tạo nên lớp màng chứa các hoạt chất phản xạ UV và làm giảm lượng tia UV tác hại đến da, tuy bảo vệ da khỏi tia UVB tốt nhất nhưng không hoàn toàn bảo vệ da chống lại bức xạ của UVA. Thành phần chính là Titanium dioxide và Zinc oxide, thành phần phù hợp cho da nhạy cảm hoặc đang trong quá trình điều trị. Nhược điểm nhỏ của Sunblock là chứa nhiều khoáng chất nên có cảm giác hơi bóng nhờn và trắng.

Suncreen bảo vệ da chống lại cả tia UVA và UVB bằng cơ chế hóa học,  hấp thụ các năng lượng của tia UV, tự xử lí và phân hủy chúng trước khi các tia này có thể làm tổn hại đến da. Suncreen chứa nhiều thành phần  và họa chất dành cho làn da khỏe mạnh. Bạn sẽ hài lòng khi thoa những thành phần này vì độ thẩm thấu nhanh, không hề gây trắng bệt hay bóng dầu gì cả. mình đã từng dùng qua kem chống nắng Neutrogena Clear Face và cảm thấy rất dễ chịu.

Kem chống nắng vật lý vs kem chống nắng hóa học

Bạn đã thoa Kem chống nắng đúng cách chưa?

Trước khi thoa kem chống nắng, bạn nên rữa mặt sạch để loại bỏ bụi bẩn và bã nhờn tích tụ trên bề mặt da, giúp lỗ chân lông thông thoáng để da dễ dàng thẩm thấu kem hơn nhé. Tiếp theo hãy thoa kem và ra nắng sau đó từ 15 – 20 phút để kem thẩm thấu vào da. Lưu ý là mình nên bôi lại kem chống nắng sau 2 giờ sử dụng nha.

Khi thoa kem, chỉ nên thoa một lượng kem vừa đủ nhé các nàng và đừng suy nghĩ lớp chống nắng càng dày càng tốt. Không phải vậy đâu nhé,vì dùng nhiều thì hiệu quả cũng chẳng hơn đâu mà còn làm lỗ chân lông bít kín rất dễ gây mụn.

Hãy thoa kem chống nắng đúng cách nhé!

Mình khuyến nghị mỗi cô gái nên chọn cho mình kem chống nắng dành cho mặt và toàn thân  riêng nha. Bởi vì da mặt vốn nhạy cảm hơn, chống nắng toàn thân không chứa nhiều tinh chất dưỡng da đồng thời chứa nhiều dầu,sẽ có cảm giác nhờn dính. Vì vậy nên chọn riêng cho mặt tuýp chống nắng dịu nhẹ và thẩm thấu nhanh để còn thuận tiện cho việc trang điểm nữa.

Dưỡng da, Makeup và Kem chống nắng – Apply như thế nào?

Trình tự sẽ là: Skincare (dưỡng) -> Kem chống nắng -> Makeup. Nếu dùng kem chống nắng đầu tiên thì sẽ tạo một lớp màng chắn bảo vệ khiến skincare không thẩm thấu vào da được. Còn nếu thoa kem chống nắng sau khi makeup thì sẽ làm nhem nhuốc hết lớp trang điểm xinh đẹp của bạn mất rồi.

Kem chống nắng cho từng loại da

Kem chống nắng cho da dầu

Đối với một số người, da dầu bị coi như thảm họa, rất khó chọn mỹ phẩm hay kem chống nắng vào mùa hè. Lớp dầu “bong bẩy” rất dễ loang lỗ với lớp kem có cảm giác khó chịu lắm. Thế nên, khi chọn kem chống nắng cho da dầu, nên chọn dạng gel hoặc liquid để tinh chất dễ thấm vào da và không bị lớp nhờn rữa trôi. Các bạn nên xem kĩ trên bao bì có chữ  “Oil free” (không dầu ) hoặc  “No Sebum” ( không gây nhờn ) nhé. Cũng như mình đã từng chia sẻ, không nên chọn loại kem có chỉ số SPF cao để chống nắng hàng ngày, như vậy càng làm cho làn da dầu càng thêm bưng bít lỗ chân lông.

Kem chống nắng cho da khô

Đối với làn da khô thì chọn kem chống nắng có thành phần dưỡng ẩm là điều cần thiết. Đặc biệt, khi chọn kem chống nắng  nên chọn sản phẩm có thành phần Glycerin và Ceramides để vừa chống nắng, vừa dưỡng ẩm cho da. Tuy nhiên, làn da khô dễ bị nhăn và lão hóa, nên trước khi apply lớp chống nắng, bạn có thể dùng thêm lớp dưỡng ẩm để da được tăng cường độ ẩm khi phải hoạt động ngoài trời lâu.

Kem chống nắng cho da hỗn hợp

Là loại da phổ biến nhất, da thường khô ở hai bên má nhưng vùng trán, mũi và cằm lại tiết dầu (vùng chữ T). Da hỗn hợp cũng có hai loại, hỗn hợp thiên dầu và thiên khô. Nếu da bạn thuộc hỗn hợp thiên dầu và dễ nổi mụn, nên chọn kem chống nắng không dầu (Oil free) và dưỡng chất vừa phải. Ngược lại, nên chọn lựa kem chống nắng có nhiều dưỡng chất, vì những loại kem này sẽ cung cấp cho bạn lượng độ ẩm cần thiết và cân bằng.

Kem chống nắng cho da nhạy cảm

Da nhạy cảm là làn da “khó tính” hơn hẳn những loại da khác. Làn da đỏng đảnh này rất dễ kích ứng với mỹ phẩm hoặc tác hại từ môi trường, vì thế việc bảo vệ da trước ánh nắng là điều không thể bỏ qua. Kem chống nắng có chứa thành phần PABA, Dioxybenzone hay Oxybenzone không nên là chọn lựa của bạn. Ngược lại, bạn nên tìm mua loại kem chống nắng chứa các thành phần như Oxit kẽm, Titanium dioxide để không bị hấp thu qua da và những thành phần này thường hiện diện trong kem chống nắng vật lý.

Kem chống nắng dành cho em bé cũng được khuyên dùng cho những nàng có làn da nhạy cảm.

Kem chống nắng cho bé

Làn da của trẻ chỉ dày bằng 1/5 so với làn da của người lớn, do lớp sừng ở thường bì của da rất mỏng và ít Melanin hơn người lớn nên không có khả năng chống lại bức xạ của tia cực tím. Do đó, với trẻ từ 1 tuổi trở lên việc bôi kem chống nắng cho bé khi đi ra ngoài là điều cần thiết để bảo vệ làn da mỏng manh của bé.

Làn da của bé rất mỏng manh

Các mẹ nên hạn chế cho trẻ ra ngoài ở khung giờ từ 11h đến 15h, đây là thời điểm bước sóng tia tử ngoại cao và dù có thoa kem chống nắng cũng không thể ngăn chặn hết tia UV. Trước khi ra nắng 20 phút mẹ nên bôi kem cho bé để kem kịp thẩm thấu vào da, sau 2 giờ mẹ nên thoa lại nếu bé hoạt động liên tục ngoài trời và ra mồ hôi nhiều. Cũng như da nhạy cảm, kem có chứa bộ lọc vô cơ như kẽm Oxit và Titanium dioxide thích hợp cho bé nhất. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi các mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng kem chống nắng nhé.

Các vấn đề về da

Da mụn

Thường thì da mụn luôn kèm theo dầu nên hạn chế tối đa việc gây bít lỗ chân lông vì các kiểu nguyên nhân. Chọn kem chống nắng cho da mụn cũng nên chú ý trên bao bì có dòng chữ “Non-Comedogenic” (không gây bít lỗ chân lông) và cũng như da dầu, nên chọn dạng gel hoặc liquid để chất kem dễ thẩm thấu nhanh không gây nhờn.

Da nám, tàn nhang

Đối với làn da đang trong quá trình điều trị nám và tàn nhang, thì chỉ số SPF cao là chọn lựa tối ưu. Trong giai đoạn này, làn da phải được ngăn cách tia UV triệt để để lớp biểu bì đang dần phục hồi sau điều trị không phải chịu tổn thương từ ánh nắng.

Chọn kem chống nắng phải khéo léo, nên xem kỹ thành phần của loại kem mình chọn và chắc chắn rằng đó là kem chống nắng phù hợp với da mình. Khi bôi kem chống nắng rồi, bạn cũng nên bảo vệ da khi ra ngoài bằng các dụng cụ khác như: áo chống nắng, kính mát, mũ, khẩu trang…chứ không nên phó mặc hoàn toàn kem chống nắng. Sắp vào hạ rồi, chúc các cô gái có những ngày vui vẻ và an toàn dưới nắng.

Theo dailybeautytalk.com